Đón đầu mùa băng tuyết Tây Bắc




Cuối năm, cộng đồng du lịch lại háo hức chờ đón những đợt băng giá vùng Tây Bắc, mà điểm đến là thị trấn du lịch hơn trăm năm tuổi Sa Pa. Thật ra, Sa Pa chỉ là điểm dừng chân. Muốn chiêm ngưỡng băng tuyết đẹp mắt, phải vào những bản xa, lên tận Cổng Trời của đỉnh Ô Quy Hồ ngoạn mục.

Mới chớm đông nhưng vùng này đã xuất hiện những đợt rét đầu mùa. Dự báo, khả năng băng giá sẽ xuất hiện vào cuối năm, nhất là thời điểm Giáng sinh. Vì vậy, cư dân du lịch đã săn vé máy bay giá rẻ từ khắp nơi ra Hà Nội để nối tuyến lên Lào Cai, đi Sa Pa. Để chắc ăn, nhiều người dành hẳn một khoản tiền chờ khi có tuyết là mua vé bay liền để trải nghiệm mùa băng giá ở dãy Hoàng Liên Sơn. Khi đó, giá vé cao ít nhất 5 lần so với mua giá rẻ.

Hành lý mang theo ngoài phụ kiện để chụp ảnh đẹp lung linh, cần có những món quan trọng là áo ấm chịu được nhiệt độ từ 0 độ đến âm một vài độ C; giày đi leo núi có độ bám hoặc giày đi bộ có gai để chống trơn trợt khi phải đi trên đường đóng băng.
Dulichgo
Cũng rất cần những chiếc khăn choàng cổ để giữ ấm, tránh bị cảm lạnh và nón đội đầu bằng nỉ ấm áp, có phần che hai tai. Khi đường sá bị băng tuyết, tốt nhất nên dừng xe gắn máy lại dọc đường rồi đi bộ vào vùng này; hoặc đi ô tô, taxi địa phương để tránh những rủi ro khi lưu thông.
Dulichgo
Việc cần làm trước khi khám phá mùa băng tuyết là đặt được phòng nghỉ từ trước đó. Một số nhà nghỉ, khách sạn nhỏ sẵn sàng "bẻ kèo" khách đã đặt phòng trước để bán phòng cho khách mới với giá cao gấp 5-10 lần ngày thường, giá khách sạn đạt chuẩn có giá vài triệu đồng/phòng/ngày trong thời gian vùng này có tuyết là chuyện thường.

Vì vậy, khách đừng ngần ngại đặt các khách sạn lớn, thông qua các trang mạng đặt phòng chuyên nghiệp. Khi đó, khách sạn không dám "bẻ kèo" vì sợ bị chế tài, nhất là điểm xếp hạng xuống thấp khi bị khách chê và chấm thấp, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp trong mắt du khách thế giới.

Ô Quy Hồ mùa tuyết sắp rơi

Mang tên từ tiếng kêu da diết của loài chim khóc cho chuyện tình dang dở, đèo Ô Quy Hồ lại có vẻ hùng vĩ của dãy Hoàng Liên Sơn. Mùa này, "vua đèo" lãng đãng khói sương, khi thì đắm chìm trong mây suốt cả ngày trời. Trước mùa băng tuyết, dọc hai bên đèo lại trổ loài hoa trắng tinh, người ta gọi đó là hoa tuyết.

Ô Quy Hồ được mệnh danh là "vua đèo" vùng Tây Bắc bởi cung đường quanh co hiểm trở ở độ cao hơn 2.000 mét so với mực nước biển. Nó còn có tên khác là đèo Hoàng Liên do nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn và một tên gọi khác là Đèo Mây do đỉnh đèo thường xuyên mây phủ. Tuy nhiên, cái tên Ô Quy Hồ hay Ô Quý Hồ phát âm là lạ lại được nhiều người biết tới. Tên gọi này xuất phát từ tiếng kêu của một loài chim lạ, chỉ có ở vùng này. Tương truyền, đó là loài chim khóc cho chuyện tình dang dở. Chúng bay từ thác Tình Yêu, thác Bạc lên đến Cổng Trời vừa kêu da diết "Ô quý hồ! Ô quý hồ!...". Nghe tiếng kêu đó, người ta gọi tên cho đèo tới ngày nay. Bao nhiêu tên gọi tôn vinh con đèo ngoạn mục này vẫn không "đấu" lại tiếng chim kêu buồn bã đó. Ngày nay thỉnh thoảng, người ta vẫn nghe tiếng của loài chim này nhưng không nhiều; có khi phải vào tận rừng sâu, núi cao mới nghe tiếng vọng lại chứ không nhìn thấy chúng.Dulichgo

Mùa này, đi dọc theo con đường 50 cây số của Ô Quy Hồ, du khách dễ nhầm tưởng tuyết đang đọng lại thành vạt lớn trên những tán cây bên đường. Trong làn sương mờ, nhìn từ xa, những mảng màu trắng xóa trong cái lạnh buốt của mùa đông Tây Bắc, du khách không khỏi bị ảo giác. Thật ra, đó là hoa dại của một loài dây leo sống ở vùng đất này. Dường như chúng vùi trong giấc ngủ dài chờ tháng 12 thì "thức đông" và bung những cánh nhỏ li ti khoe sắc cả một góc trời. Hoa nở thành từng vạt, e ấp sau làn sương mơ màng nhưng không bị chìm ngập trong đó. Từ xa, du khách dễ nhầm tưởng đó những mảng tuyết rơi từ trời cao "đậu" lên vòm lá rung rinh trong gió.
Dulichgo
Người dân bản địa cũng chẳng biết tên của hoa. Vì thế, tên gọi hoa tuyết trở nên ấn tượng ở miền đất du lịch này. Tại thị trấn Sa Pa, các bản sinh sống của người Dao, người Mông… hoàn toàn không thấy hoa tuyết.

Chỉ khi lên hơn nửa dốc của đèo Ô Quy Hồ, mới thấy những vạt hoa tuyết trắng xóa xen lẫn màu xanh của những giàn su su và rừng cây của đại ngàn. Càng lên cao, vạt hoa tuyết càng lớn. Khi qua bên kia đèo không xa, hoa thưa dần rồi mất hút. Hoa chỉ nở trong một thời gian ngắn rồi tàn trước khi rét đậm, rét hại khiến băng giá tỏa khắp vùng này.
Dulichgo
Khi băng giá kéo đến, Cổng Trời trên đỉnh Ô Quy Hồ - phân giới giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu băng tuyết phủ kín, chỉ sau đỉnh Fansipan. Có những lúc, từng đoàn xe phải neo lại dọc hai bên đường đèo vì không thể di chuyển trên nền băng trơn trợt. Từ đây, có thể nhìn thấy "nóc nhà Đông Dương" cao chót vót tận mây xanh hay làng mạc của huyện Tam Đường (Lai Châu) sâu hun hút. Nếu nhìn từ đỉnh Fansipan, Ô Quy Hồ là con đường ngoạn mục, vắt ngang qua núi, ẩn mình trong mây. Hai bên đường rợp màu xanh của những giàn su su bạt ngàn.

Nổi tiếng trên con đường này ngoài Cổng Trời là Thác Bạc và thác Tình Yêu. Thác Bạc nằm dọc theo đường 4D ở lưng chừng đèo là một con thác lớn, nhiều tầng bậc. Mùa băng giá, nước đóng băng thành từng mảng. Nhiệt độ xuống thấp, một góc thác đóng băng trắng xóa tạo hình dáng ngoạn mục. Còn thác Tình Yêu nằm ở Trạm Tôn, một cung đường chinh phục Fansipan tại vị trí 1.900 mét, gần Cổng Trời tức đỉnh đèo Ô Quy Hồ. Từ mép đường, du khách phải đi bộ khoảng hơn 1 cây số ngược theo dòng chảy băng qua rừng thảo quả mới tới thác. Đó là một vách đá núi thẳng đứng, cao hơn 50 mét đang tuôn dòng nước ào ạt từ Hoàng Liên Sơn xuống. Đứng mọi góc nhìn, dòng thác như mái tóc nàng con gái miền sơn cước lả lướt xỏa xuống từ vách đá cao. Tên con thác này cũng là một câu chuyện gắn với loài chim phát tiếng kêu "ô quý hồ" da diết.

Tiết trời lạnh buốt lãng đãng mây mờ, du khách đừng quên ghé lại bếp nướng của người dân bản địa bên vệ đường. Trong những lán nhỏ liêu xiêu, bếp nướng ngô, khoai, trứng vô cùng ấm áp. Bên bếp than hồng, thưởng thức các món nướng, uống nước trà nóng xua tan đi cái lạnh thấu da ngoài kia.
DDulichgoulichgo
Người dân bản địa rất thân thiện và hiền lành. Hằng ngày, họ dựng lán bán cho khách qua đường. Du lịch phát triển, du khách ghé lại nhiều hơn. Ban đầu, chỉ là dừng chân nghỉ ngơi. Nhưng câu chuyện giữa chủ và khách cứ kéo dài và những lán trại có bếp than hồng trở thành "điểm du lịch phải ghé" khi đi qua Ô Quy Hồ hay tới Cổng Trời.

Theo Nguyên Thanh (Báo Cần Thơ)
Chia sẻ Google Plus