Kỷ niệm giữa tôi với Bạch Mộc Lương Tử




(NĐT) - Kỷ niệm lớn nhất giữa tôi với Bạch Mộc Lương Tử chính là bữa cơm ngồi xổm trong túp lều tạm của người dẫn đoàn, bữa cơm diễn ra trong cảnh tranh tối tranh sáng.

Bữa ăn... nhớ đời

Bạch Mộc Lương Tử (Bạch Mộc) cao 3.046m so với mực nước biển, cũng là ngọn cao nhất trong dãy núi cùng tên, nằm giữa hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Bạch Mộc có địa hình khá hiểm trở, được dân du lịch bụi (phượt) khai phá từ năm 2012.
Để lên tới đỉnh Bạch Mộc, du khách phải leo quãng đường dài khoảng 30km đường rừng và trải qua nhiều địa hình khác nhau như đồi trọc, rừng tre nứa, rừng gỗ lớn, rừng trúc lùn đến những vách đá cheo leo toàn rêu phủ.

Những bữa cơm tạm bợ, ít đạm, khó nuốt, chóng vánh, nhanh chân nhanh tay là điều khó tránh khỏi thậm chí trở thành nỗi “ám ảnh” mà cho tới tận bây giờ, khi đã trở về Hà Nội, nỗi “ám ảnh” ấy có lúc trở thành nỗi “khủng hoảng” trong tôi suốt 1 tuần sau đó.

Ngày đầu tiên đoàn nghỉ ở lán cao 2.100m so với mực nước biển, 3 máng nước bằng thanh tre nhỏ xíu được dẫn từ suối là nguồn nước nấu nướng, uống trực tiếp của hơn 80 con người (cả người dẫn đường).

Và có lẽ, kỷ niệm lớn nhất giữa tôi với Bạch Mộc Lương Tử chính là bữa cơm ngồi xổm trong túp lều tạm của người dẫn đoàn, bữa cơm diễn ra trong cảnh tranh tối tranh sáng lập loè của chiếc đèn pin nhỏ.

Bát ướt, đũa ướt, cơm sống sượng, vừa ăn tôi vừa nhằn từng hạt vì có hạt sống hạt chín. Lúc ấy không chỉ tôi mà hầu hết các thành viên trong đoàn đều đã đói rũ nên ai nấy cũng cố nuốt trửng những hạt cơm sống sượng đang cầm trên tay với tâm niệm một điều: “Miễn sao có cái cho vào bụng để lấy sức tiếp tục hành trình chinh phục Bạch Mộc Lương Tử vào ngày mai”.

Nói đến bữa ăn ấy chúng tôi vẫn thường nói vui là “bữa khổ”, “bữa nhớ”. Những miếng gà sáo được múc ra bát, chẳng phân biệt đâu là nạc, là mỡ, chỉ biết có cái để ăn với cơm là ai cũng vui rồi, thậm chí có người còn ví von, ngon như sơn hào hải vị. Khi Vả (SN 1994, người dân tộc Mông, đã có một con), người dẫn đoàn của chúng tôi mang ra bát canh, ai nấy đều vỗ tay như được cứu sống. Mấy đứa tếu nhau rằng: Ăn cơm sống rồi uống nước suối, nở ra là đủ no.

Nhưng để có bữa ăn “ám ảnh” ấy, dân bản – người chúng tôi thuê để dẫn đường, lo cơm nước, nấu nướng, vác đồ, họ phải đèo sau lưng nào xoong, bát đũa, đồ ăn (chủ yếu là gà, thịt lợn, rau, mắm muối...) đủ cả. Vất vả là thế mà chỉ được khoảng 300 nghìn đồng/ một lần dẫn cả đoàn.

Có trò chuyện với họ tôi mới nhận ra rằng, chốn đồng bằng hay Hà Nội, với họ, là nơi xa hoa, một thứ xa xỉ. Trong con mắt họ, ở đó, giống như một thiên đường mà đôi khi họ nghĩ kiếp này họ chẳng có cơ hội chạm tới.

“Nếu xuống Hà Nội phải kiếm thật nhiều tiền: nào bán trâu, nào thu được nhiều ngô mới đủ tiền đi xe. Ở Hà Nội cái gì cũng đắt. Thuê nhà để khám bệnh mà cũng mất 50 nghìn đồng/ người. Đắt lắm. Nhưng được xuống Hà Nội một lần là may mắn của cả cuộc đời”, Vả “đại diện” cho những người dân bản chia sẻ câu chuyện với chúng tôi.

Ngồi quanh đống lửa nghe những người dân bản nói chuyện rôm rả, chúng tôi cảm thấy yên bình. Bất giác họ hỏi tôi: “Phở dưới Hà Nội ngon không?”, “30 nghìn đồng/bát cơ à, đắt thế?”...

Sáng hôm sau, chúng tôi lại được “thưởng thức” bát mì tôm úp dở cầm hơi để tiếp sức leo lên đỉnh. Miếng cơm trộn bột canh mì tôm Hảo Hảo với “lơ thơ” vài miếng thịt mỡ nhiều hơn nạc – ngày thường bạn có thể chê, nhưng trên cái đỉnh 3.046m ấy, đó là thần dược giúp bạn hồi phục để leo từ đỉnh Bạch Mộc xuống lán nghỉ.

Mỗi sáng thức dậy, trước khi lên đỉnh Muối, Bạch Mộc hay xuống núi, chúng tôi đều phải hứng nước vào đủ các chai, đến đoạn suối nào, ai nấy đều vui mừng, sà xuống. Người thì hứng uống, người rửa mặt, rửa tay… lấy tinh thần để tiếp tục chặng đường leo núi của mình.

Chẳng có nước, tất nhiên việc tắm là không thể. Hơn nữa, nước cũng lạnh buốt, vì vậy chẳng ai “ham sạch”. Cứ mặc nhiên mà bẩn, lúc ấy mọi người đều tâm niệm rằng, chẳng cần xấu đẹp, chỉ cần ăn, ngủ và leo được lên đỉnh Bạch Mộc.

Chinh phục đỉnh cao

Nhắc tới Bạch Mộc, dân phượt vẫn nhắc tới những đoạn dốc nhụt ý chí, vách đá dựng đứng, hãi hùng với “sống lưng khủng long”. Nghĩ lại khoảnh khắc ấy chân tôi vẫn hơi run, vẫn sợ. Nhất là đoạn bò trên sống lưng khủng long với toàn đá là đá, dốc đủ để bạn sợ hãi.

Chỉ cần sẩy chân có thể rơi xuống vực; nếu đôi giày bạn không có độ bám, không có găng tay bám thì… bạn cũng gặp thần chết. Lên đã khó, xuống còn kinh sợ gấp vạn lần. Nếu sẩy mắt, hoặc lơ là vì cảnh đẹp, bạn có thể sẽ gặp tai nạn. Nhất là khi đặt chân lên đỉnh, gió ngút ngàn thổi như cố tình đẩy thân hình bạn chệch choạng. Phải đứng thế tấn, tay cố bám để không bay khỏi mặt đất.

Thấy tôi lồm cồm, chậm rãi bò trên đá, không ít lần Vả chìa bàn tay nói: “Chị đưa tay em dắt đi, chị đừng sợ, chỉ cần chị tự tin chị sẽ làm được”.

Lúc này, chân tôi run, bắp cơ đã mỏi rã, đau rát đầu ngón chân. Những đoạn đường cuối, kiệt sức, chúng tôi đi với nhau mà chẳng nói câu nào, cứ âm thầm nhấc chân bước, chỉ mong đến điểm dừng chân cuối.

Chinh phục Bạch Mộc Lương Tử là thêm một lần tôi khẳng định: Sức khỏe có hạn nhưng ý chí con người là vô hạn. Một khi bạn quyết tâm, bạn sẽ làm được, bạn sẽ chiến thắng được nỗi sợ của bản thân.

Chứng kiến nỗi khổ “bền vững” của người dân nơi ấy, tôi nhận lại từ những gian khổ ấy, nỗi sợ khi đối mặt với hiểm nguy ấy chính là cảm xúc vỡ òa khi đặt chân lên đỉnh Bạch Mộc Lương Tử, là cảm giác chiến thắng bản thân, là niềm vui chinh phục, thỏa mãn sự trải nghiệm cuộc sống, tự do khám phá nét đẹp của thiên nhiên và thể hiện cá tính, đam mê bản thân… là cảm giác thèm “thịt”, thèm tự do, tự tại.

Theo Nguyễn Huệ (Người Đưa Tin)
Tây Bắc Food - Ẩm thực Tây Bắc
Chia sẻ Google Plus