Khám phá Pu Si Lung (Kỳ 4)
Pu Si Lung: Gặp người rừng giữa chốn hoang liêu
(Tiếp theo) - Cả hành trình leo núi Pu Si Lung, xã Pa Vệ Sử (Mường Tè - Lai Châu) vượt dốc núi và rừng hoang, tịnh không có bóng người. Vậy mà gần chặng cuối, đoàn chúng tôi đã may mắn gặp lão người rừng Vàng Và Chờ (85 tuổi).
< Giữa chặng đường leo Pu Si Lung nhìn thấy cái lán của người rừng Vàng Và Chờ, ai cũng cảm thấy phấn khởi.
Hết dốc 3 tiếng, trong đoàn ai cũng thở phào nhẹ nhõm bởi hành trình gian nan nhất chúng tôi đã vượt qua. Bầu trời biên giới như rộng mở và trong xanh hơn. Nó tựa như là phần thưởng xứng đáng cho những ai quyết tâm vượt dốc dài, leo lên đến đỉnh núi. Anh Lý Phu Cà - người dẫn đường vốn đã gắn bó với vùng đất biên thùy này từ thuở lọt lòng, mỗi khi lên được đỉnh dốc này cũng tỏ ra rất phấn khích.
Giữa chốn hoang liêu, không một bóng người, đoàn người cứ lặng lẽ cố gắng từng bước. Đi hết dốc Trại Bò, ai cũng cảm thấy vui vì giữa nơi rừng hoang núi thẳm lại nhìn thấy làn khói trắng bốc lên từ cái lán nhỏ. Làn khói quấn quýt báo hiệu có sự sống ở nơi này.
< Lão Vàng Và Chờ cũng rất vui vì lâu lắm rồi lão không được gặp người.
Mấy chàng trai trẻ trong đoàn còn hét lên sung sướng. Bản thân tôi cũng vui đến trào nước mắt. Sau gần 3 ngày lầm lũi đi rừng giờ được gặp một con người bằng xương, bằng thịt nơi biên giới, không vui sao được. Càng tiến gần ngôi nhà, tôi càng cảm thấy có sự ấm áp khó tả.
Cả đoàn chúng tôi sau 2 ngày vượt rừng đều thấm mệt, đứng giữa nơi đất trời bao la, ai cũng hào hứng khi nghe chiến sĩ Lịch kể câu chuyện về vợ chồng người rừng sống chết với nơi biên ải này. Họ đã cùng nhau vào nơi này dựng lán, dựng lều để sống. Từ khi vợ chồng lão Chờ vào đây ở, nơi này mới gọi là dốc Trại Bò, Lán Bò hoặc lán Người Rừng. Sống giữa nơi đèo mây, hút gió này mà vợ chồng lão vẫn cứ vui như Tết.
Nghe có tiếng người lạ, lão Chờ vội ra mở cửa đứng trên bộ khung bảo vệ nhà đón khách. Năm nay đã ngoài 85 tuổi mà nom lão đi băng băng. Dường như tuổi tác không làm ảnh hưởng gì đến tác phong của lão. Lão mặc bộ quần áo cũ mèm. Đầu đội chiếc mũ che kín hai tai. Đôi tay chai sần, đen bóng như màu đồng hun.
< Chiến sĩ Lịch và lão người rừng Vàng Và Chờ có mối thâm tình từ nhiều năm nay.
Lão Chờ không nói được tiếng phổ thông, tôi chỉ nghe thấy âm thanh trong trẻo mà lão người rừng luôn miệng nói: “Chiền ma a pi” – chúc sức khỏe là câu đầu tiên mà chúng tôi được nghe từ lão người rừng này. Mặt mày lão tràn ngập niềm vui sướng khi đón chúng tôi vào nhà. Thứ âm thanh của sự sống, của nỗi gieo ca, hân hoan của người với người được gặp nhau giữa chốn hoang liêu. Từng người một, người một được lão nắm chặt bàn tay như đón những đứa con xa nhà lâu ngày mới về. Riêng những chàng trai La Hủ dẫn chúng tôi đi đường đều đã biết mặt lão Chờ. Trên khuôn mặt ai cũng hân hoan, vui sướng khi gặp lão Chờ.
Riêng lão, việc được gặp người chiến sĩ biên phòng dẫn đường cho đoàn tăng hân hoan bội phần. Bởi lẽ một năm lão chỉ có vinh dự gặp được 1 đến 2 đoàn công tác đi ngang qua đây và chủ yếu là biên phòng. Chẳng biết cái tên Chờ do cha sinh mẹ đẻ đặt cho hay cuộc sống mưu sinh nơi rừng hoang vận vào mà lão Chờ, cứ chờ để được gặp người vậy đấy. Dường như với lão Chờ được gặp nhiều người như thế này, lão đã phải chờ đợi từ rất lâu. Lão mời mọi người vào nhà, nói là nhà cho oách, chứ nó chỉ là túp lều nhỏ hiện lên giữa bốn bề thông thốc gió lùa.
< Lão Chờ rưng rưng chia tay đoàn.
Ngôi nhà hay nói chính xác hơn là một túp lều của lão nằm bên sườn của đỉnh núi Pu Si Lung. Trong nhà đồ vật rất giản tiện. Cái bếp lửa chụm lại 3 ông đầu rau bằng đá. 4 khúc gỗ to bằng cột nhà đang cháy dở. Mấy cái xoong vứt chỏng chơ. Gian lều luôn nhuộm màu khói bếp. Từ lúc dẫn khách vào nhà lão vui lắm, qua lời phiên dịch của anh Lý Phu Cà. “Tôi ở đây với vợ. Vợ lão đang vào rừng đuổi trâu. Lão ở nhà nấu cơm. Ở đơn giản, nên cái ăn của vợ chồng lão cũng giản tiện lắm. Nhà có muối và rau rừng cộng với cơm trắng. Bao năm qua, vợ chồng tôi vẫn chỉ ăn có vậy”, lão Chờ chia sẻ.
Theo Xuân Tuấn (Phụ Nữ Việt Nam)