Khám phá Pu Si Lung (Kỳ 3)
Pu Si Lung: Cuộc 'thử lửa' muốn 'đảo ngũ toàn tập'
(Tiếp theo) - Ngày thứ hai leo Pu Si Lung (cao 3083m), xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, ai trong đoàn cũng mệt bở hơi tai. Trong mỗi người đều bị giằng xé tâm can bởi quyết định: đầu hàng quay về hay đi tiếp.
^ Vượt dốc 3 tiếng là hành trình vô cùng thú vị bởi những cung bậc cảm xúc mà người leo núi trải qua.
Cơn mưa rừng bất chợt đổ ập xuống trong đêm khiến ai trong đoàn leo núi Pu Si Lung cũng vô cùng lo lắng. Vượt dốc 3 tiếng là một lần thử lửa “nặng ký” nhất cho những kẻ thích ưa thích xê dịch.
“Đảo ngũ” liệt truyện
< Đường đến Pu Si Lung đã khiến 8/10 đoàn bỏ cuộc giữa chừng vì hành trình này quá gian nan và vất vả.
Đêm đầu tiên leo Pu Si Lung, chúng tôi phải nghỉ lại ven suối Nậm Xừ Lường. Bãi đất phẳng này vốn là nơi dừng chân của đàn trâu mà bà con người La Hủ thả trong rừng. Anh Lịch, chiến sĩ đồn biên phòng Pa Vệ Sử, người có “duyên” đã từng dẫn 3 đoàn đi chinh phục Pu Si Lung thì có đến 2 đoàn bỏ cuộc giữa chừng chia sẻ, sau mỗi ngày chặng đường thêm dài, thêm khó. Chặng đường của ngày thứ hai là phải vượt qua dốc 3 tiếng.
Năm ngoái có một đoàn “phượt” ở thành phố Hồ Chí Minh cất công vượt 2.400km đến đồn biên phòng làm thủ tục đi Pu Si Lung với khí thế rất hứng khởi. Họ đi hơn chục người, lúc đến “trống rong cờ mở”.
< Vượt dốc 3 tiếng quả là cuộc thử lửa ý chí của những ai có máu xê dịch muốn chinh phục Pu Si Lung.
Vậy mà lần thứ nhất họ vượt được chặng thứ nhất là dốc Yên Ngựa xong là quay về. Đoàn này được cái có ý chí hơn người vì đầu năm 2006, họ trở lại đồn một lần nữa với quyết tâm chinh phục bằng được Pu Si Lung.
Quả là lần hai, họ có tiến bộ hơn là vượt qua được 2 đêm ở rừng. Đến sáng ngày thứ 3, trong đoàn ai cũng mệt bở hơi tai vì phải vượt qua quá nhiều dốc núi. Trong khi đó, chặng đường phía trước còn quá dài. Lực bất tòng tâm, họ một lần nữa lại lỡ hẹn với Pu Si Lung. Cả đoàn quay về. Về đến đồn biên phòng, họ lại “hẹn” sẽ quay trở lại, quyết leo cho kì được Pu Si Lung. Tinh thần của đoàn “phượt” thủ này quả là đáng ghi nhận.
< Mỗi bước tiến lên phía trước là bầu trời biên giới rộng mở.
Câu chuyện của chiến sĩ Lịch làm cho mọi người trong đoàn cũng có phần nao núng. Ngẩng mặt nhìn lên hướng Tây Bắc, đỉnh núi Pu Si Lung vẫn sừng sững giữa đất trời. Cả vạn năm nay nó vẫn ngạo nghễ nơi biên ải, vậy mà để được đứng trên đỉnh núi đó mà hét lên một tiếng cho thỏa cõi lòng quả là không đơn giản. Cũng theo anh Lịch, nhiều đoàn “phượt” khác đã và đến đất này, đến giờ cũng chỉ có 2 đoàn được vinh dự đặt chân lên đỉnh. Ngay bản thân trong các đoàn đến được Pu Si Lung, thành viên trong đoàn cũng rơi rụng dần.
Nối lo lắng và những khó khăn, gian nan khi phải đối mặt trong việc leo Pu Si Lung cũng khiến bản thân mỗi người trong đoàn đấu tranh, giằng xé tâm can. Ai cũng lưỡng lự với hai phương án đi tiếp hay quay trở về. Đi tiếp sẽ là một cuộc hành xác, bỏ cuộc sẽ là một nỗi buồn vô hạn về bản thân. Một ngày, một đêm ở rừng đã khiến nhiều người “ăn không ngon, ngủ không yên”. Chặng đường phía trước là quá dài và quá gian nan.
< Cây mâm xôi đã giúp đoàn chúng tôi vượt được dốc 3 tiếng.
Anh Nguyễn Văn Chung (SN 1988, người Nam Định), người đã 3 lần leo Fansipan, chinh phục Pu Ta Leng (cao thứ hai Việt Nam với 3096m), leo Bạch Mộc Nương Tử (cao trên 3000m) đi về trong ngày, vượt Tây Côn Lĩnh như đi dạo. Thành tích đáng nể này của Chung, không phải “phượt” thủ nào cũng có được, ấy vậy mà trong lần đến với Pu Si Lung này anh cũng tỏ ra e dè. Sức trai trẻ có thừa, nhưng chặng leo núi lần này khó và hiểm nguy hơn nhiều lần so với trước. Chung chia sẻ, đường đến Pu Si Lung quá dài và quá nhiều dốc. Dốc lên, dốc xuống khiến người đi cảm thấy nản. Càng đi càng thấy xa. Bản thân tôi cũng không tiên liệu hết được, lần này tôi lại gặp nhiều gian nan đến thế.
“Thần dược” mâm xôi
< Giây phút nghỉ ngơi vô cùng thú vị trên đường vượt dốc.
Núi cao thì mặc núi cao, bao gian nan ngày đầu tiên đã trải qua không khiến đoàn chúng tôi nản lòng. Mọi người còn động viên nhau, quyết không để chiến sĩ Lịch muối mặt khi phải dẫn một đoàn nữa trở về “tay trắng”. Ba lô, tay nải, chúng tôi lại động viên nhau vượt dốc 3 tiếng. Con dốc này dài nhất và cũng khó nhất trong hành trình chinh phục Pu Si Lung. Trảng cỏ gianh phủ kín lối mòn, những bông trắng phất phơ, đung đưa trong gió như tạo niềm cảm hứng cho mọi người trong đoàn tiến lên.
Dù đã thuê người địa phương gùi đồ, nhưng mỗi thành viên trong đoàn vẫn phải chịu trách nhiệm cõng sau lưng 12kg đồ đạc nữa. So với con dốc Yên Ngựa hôm trước, dốc 3 tiếng cứ dựng đứng như chiếc thang bắc lên trời. Sau 30 phút cố lết từng bước, mồm, mũi, tai thi nhau thở. Lồng ngực như bị ai ép mạnh như muốn vỡ tung. Khắp người mồ hôi nhễ nhại như tắm, cái nắng gắt buổi ban sáng càng làm cho người leo núi thêm khó chịu.
< Quá mệt rồi phải cầu đến Thần, Phật trợ sức để leo dốc tiếp.
Qua mỗi khúc cua, độ cao của núi lại được nâng lên một nấc cao khác. Ngẩng mặt nhìn con dốc mà mắt hoa. Hơi thở mỗi lúc một nặng, một nhọc. Đi được 100m, chúng tôi lại phải đứng nghỉ để lấy lại nhịp thở. Rất may trong đoàn có anh Dư Khánh Kiên, người Sán Dìu, hiện đang làm phóng viên báo Lai Châu lại biết nhiều về các loại cây rừng. Dọc lối mòn mà chúng tôi leo có rất nhiều cây mâm xôi. Anh Kiên đã lựa những ngọn mập, dài khoảng 40cm và cắt từng ngọn rồi bóc lớp vỏ phía ngoài, giữ lại cái nõn đưa cho chúng tôi ăn. Kiên bảo: “Nó là thần dược cho người leo núi đấy”.
Mọi người đứng trên dốc mà tim đập thình thịch như trống dồn. Ai cũng tưởng Kiên nói động viên, dù rất mệt, nhưng ai cũng cầm một đoạn cây mâm xôi nhấm nháp. Cây mâm xôi có vị chua, mát và đặc biệt rất nhiều nước.
< Đèo cao thì mặc đèo cao, trèo lên đến đỉnh, ta cao hơn đèo.
Khi thân cây mâm xôi đã trôi qua cuống họng rồi chui tọt vào bụng, người ăn có cảm giác rất sảng khoái. Ăn một rồi lại muốn ăn hai. Chỉ sau một phút nhấm nháp thứ cây “thần dược” này khiến bao mệt mỏi của chặng đường vừa qua tan biến. Tiếng nói, tiếng cười trong đoàn lại trở lên rộn ràng, nhịp thở của mọi người đã được điều hòa, khiến con dốc 3 tiếng này không còn là một trở ngại.
Dù đã được cây “thần dược” hỗ trợ nhưng càng leo lên cao, người leo núi càng mất sức. Số nước mang theo cứ vơi dân. Lối mòn như chuột chạy sau trận mưa đêm nó trở lên trơn trượt. Chiến sĩ Lịch vốn là người có kinh nghiệm đi rừng nhiều năm đã phải dặn dò mọi người phải hết sức cẩn thận. Lối mòn bị cỏ gianh, cây xấu hổ phủ kín. Chân, tay, mặt, cổ đều bị thứ cỏ sắc này hành hạ không thương tiếc.
< Cảm giác tuyệt vời khi đoàn vượt qua dốc 3 tiếng.
Mồ hôi chảy ra như tắm, cái nắng gắt mưa nơi sơn cước oi nồng như tăng nỗi hành hạ khách bộ hành. Con dốc này quả là đáng sợ. Người địa phương đi hết 3 tiếng, chứ đoàn “phượt” chúng tôi đi mất nửa ngày trời.
Giữa trưa, mặt trời đứng bóng, cả khu rừng như ngừng thở. Giữa thinh không tiếng chim hót véo von, tràn đầy sức sống. Núi rừng ngàn vạn năm nay vẫn vậy. Duy chỉ có đoàn người cứ lầm lũi, lầm lũi, cố lết từng bước. Trong đầu chúng tôi khi đó chỉ nghĩ rằng, mình cố một bước sẽ tiến dần đến đỉnh Pu Si Lung một bước. Ai cũng phải đấu tranh tư tưởng rất mạnh mới không bỏ cuộc giữa chừng.
Mệt mỏi đeo đẳng, tinh thần có lúc xuống trầm trọng, tuy nhiên càng lên cao, khách bộ hành lại có dịp ngắm lại chặng đường mình vừa vượt qua. Ngọn gió mát lành từ thung lũng tràn qua khiến rừng lau trắng phơi đầu bạc đung đưa, nhẹ nhàng, êm ả như tiếng ru “ầu ơ” của mẹ. Bầu trời mỗi lúc một rộng mở. Áng mây trắng lững lờ trôi trên nền trời trong xanh và sâu thăm thẳm đẹp tựa chốn bồng lai tiên cảnh. Cái cảm giác đứng trên đỉnh núi cao, phóng tầm mắt nhìn các đỉnh núi chạy dài nối nhau không dứt thật là sảng khoái và pha chút tự hào. Nó như là động lực để tiếp sức cho những kẻ thích xê dịch vượt qua chặng đường gian khó. Nếu như những người leo núi không có tâm hồn bay bổng, thả hồn mình hòa với thiên nhiên để mà cảm nhận được cái hay, cái đẹp của đất trời thì khó lòng mà vượt qua được cái dốc 3 tiếng này.
Theo Xuân Tuấn (Phụ Nữ Việt Nam)