Hai ngày ở xứ B’Lao
(BCT) - Cao nguyên B’Lao thường là nơi để dừng chân nghỉ ngơi cho một hành trình dài lên cao nguyên Lâm Viên hoặc chỉ ghé lại một điểm nào đó rồi đi tiếp chứ ít người nghỉ lại qua đêm. Nhưng nếu một lần ở lại, du khách có cách nhìn khác về du lịch xứ này.
Nếu có được hai ngày cho hành trình khám phá cao nguyên B’Lao, khách nên đặt phòng nghỉ tại thành phố Bảo Lộc. Giá phòng cho hai người dao động từ 150.000-350.000 đồng/đêm tùy chất lượng phòng. Bảo Lộc là thành phố trẻ, có nhiều quán ăn, quán cà phê đẹp và cả những quán sữa đậu nành nóng vỉa hè đầy thú vị.
Ngày đầu tiên, khách có thể chọn hướng đi thác Đambri để khám phá ngọn thác cao 70 mét, gần đó là ba tầng nước đổ của thác Đasara cũng như trải nghiệm xe trượt ống nối hai con thác với nhau. Du lịch Đambri có đầy đủ các dịch vụ ăn uống, giải trí và nghỉ ngơi.
Dulichgo
Thời gian khám phá khu vực này khoảng một buổi. Trước đó, vào buổi sáng, khách nên dành thời gian để khám phá, chụp ảnh với những đồi trà đẹp trên đường vào thác.
B’Lao là xứ trồng trà nổi tiếng, có từ một thế kỷ nay, giờ hình thành một khu vực rộng lớn chỉ có trà nối tiếp nhau từ đồi này sang đồi khác. Về sau, người dân bản địa canh tác thêm cây cà phê và một số cây công nghiệp khác nhưng cây trà vẫn chiếm ưu thế.
Những hình ảnh đẹp về trà đều được thực hiện ở xứ B’Lao này. Lễ hội trà hằng năm được tổ chức tại đây để tôn vinh cây trà và người trồng trà địa phương.
Đêm ngủ lại Bảo Lộc, khách đừng quên thưởng thức các món ăn địa phương, như dê núi hấp với lá dâm dương hoắc, gỏi lươn hoa chuối, heo rừng, gà đồi… Thưởng thức ly cà phê nóng sánh đặc bên bờ hồ lạnh buốt hay ly đậu nành ấm áp trước nhà thờ trên đường Trần Phú.
Dulichgo
Ngày thứ hai, theo hướng xã Lộc Thành lên chùa Cổng Trời và khám phá thác Bảy Tầng- cách chùa khoảng 5km.
Thời gian ghé lại chùa nên chọn sáng sớm hoặc chiều, vào lúc có nắng nhẹ để thưởng thức phong cảnh đẹp mê hồn ở đây. Lúc nắng gắt, ảnh không đẹp, làm mất đi không gian lãng mạn. Nếu đêm trước có mưa, nên ghé chùa vào lúc sáng sớm, khi mặt trời chưa mọc, để chiêm ngưỡng biển mây ở cổng trời tan dần theo ánh mặt trời.
Dulichgo
Nắng chiều ở đây tắt sớm, khách có thể chiêm ngưỡng hoàng hôn ở cổng trời trước khi trở lại Bảo Lộc. Riêng thác Bảy Tầng thích hợp cho nhóm bạn để khám phá vì khu vực này còn rất hoang sơ.
B’lao là tên gọi cũ của Bảo Lộc, một đô thị cao nguyên gần với Sài Gòn nhất. Trong ký ức của nhiều người dân, thì B’Lao, cho đến nay vẫn hiện hữu trong tâm trí như một địa danh có nhiều huyền thoại. Từ năm 1920 tên gọi này bao gồm từ Bảo Lâm, Bảo Lộc kéo dài đến tận một phần của huyện Định Quán, rộng đến 281.186 ha. Chuyện tách nhập B’Lao từ thời toàn quyền Paul Doumer năm 1899, đến thời Hoàng Triều Cương Thổ rồi chế độ trước và đến nay, B’Lao vẫn giữ được những nét trầm mặc lặng lẽ của cô gái Mạ dậy thì đầy sức sống.
Nay, cái tên B’lao chỉ còn gắn với một phường trong thị xã, tuy nhiên, người ta vẫn quen gọi Bảo Lộc là B’lao với nhiều suy tư và nhung nhớ về những ngày tháng cũ đã gắn liền với xứ này từ những năm 1958 trở về trước. Bởi lẽ, hai chữ Bảo Lộc mới xuất hiện từ năm 1958, khi tỉnh Lâm Đồng thay tên Đồng Nai Thượng. Lúc đó tỉnh Lâm Đồng chỉ có hai huyện là Di Linh và Bảo Lộc. Trung tâm Bảo Lộc được chọn làm tỉnh lỵ. Địa giới của huyện kéo dài đến dưới chân đèo Chuối, bọc theo thượng nguồn sông Đồng Nai. Dẫu thế nào, thì tiếng B’lao vẫn luôn nằm trong tâm thức của rất nhiều người, thậm chí đã trở thành một thương hiệu, như thương hiệu trà B’lao chẳng hạn.
Theo Nguyễn Thành (Báo Cần Thơ), ảnh internet