Núi Phặt Chỉ - Lạng Sơn
Di tích núi Phặt Chỉ thuộc khu núi phía Nam của Khu du lịch Mẫu Sơn, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình - một địa danh nổi tiếng về khu nghỉ dưỡng, sinh thái và danh lam thắng cảnh của tỉnh Lạng Sơn.
Từ thành phố Lạng Sơn đi theo đường quốc lộ 4B (Lạng Sơn - Lộc Bình) đến Km14, rẽ trái theo đường nhựa lên Khu du lịch Mẫu Sơn. Khi đến Km12 thì rẽ phải theo đường mòn dân sinh đi thôn Khuổi Cấp khoảng 500m rồi rẽ trái vượt lên núi cao theo hướng Tây Nam. Đi trong rừng nguyên sinh, rừng trúc, rừng dong... khoảng 1km là tới núi Phặt Chỉ. Đường đi từ Km12 tới núi Phặt Chỉ khá khó khăn, chỉ có thể đi bộ theo đường mòn.
Di tích núi Phặt Chỉ là một trong ba ngọn núi lớn, cao nhất trong số núi đá tự nhiên trong dãy núi đá vôi phía Tây Nam của Khu du lịch Mẫu Sơn. Toàn bộ khu núi Phặt Chỉ và mặt bằng thảm cỏ với tổng diện tích khoảng trên 10 ha. Khu núi này có độ thoải dốc tự nhiên từ phía Bắc xuống phía Nam (khu vực này có ít cây rừng mọc, chỉ có thảm đồng cỏ rộng lớn). Bên cạnh đó là nhiều dãy núi lớn nhỏ xung quanh có độ cao trung bình khoảng ± 1.000m so với mặt nước biển (thấp hơn Khu du lịch Mẫu Sơn khoảng 100m).
Đứng trên đỉnh Phặt Chỉ vào những ngày trời quang, trong xanh ta có thể thấy toàn cảnh Khu du lịch Mẫu Sơn hiện ra huyền ảo, quyến rũ với những con đường nhỏ lượn quanh co bên sườn núi; những khu biệt thự mái đỏ nằm rải rác thấp thoáng hiện lên; đặc biệt, ở phía sau lưng núi có con đường quốc lộ rải đá cấp phối lên khu Du lịch Mẫu Sơn hiện ra ngoằn ngoèo kéo dài mãi vào những đám mây, tưởng như đó là đường đến chân trời. Ngay dưới chân núi Phặt Chỉ là những cánh rừng già nguyên sinh với đủ các giống, loài cây quí hiếm, cây bụi, tre, trúc, chè, sở, thông,.. và đặc biệt nơi đây có giống cây hoa quí hiếm là cây Đỗ Quyên nở hoa trắng vào tháng 2, tháng 3 cùng nhiều giống cây thảo dược quí hiếm khác.
Nhiệt độ trung bình năm tại đây khoảng từ 15 - 180C. Với khí hậu mát mẻ cộng với không gian thoáng đãng đã tạo cho khu núi Phặt Chỉ trở thành một điểm di tích danh thắng tuyệt vời. Đây là một điểm du lịch khá lí tưởng, đầy hấp dẫn, mới lạ cho những du khách thích tham gia khám phá thiên nhiên hoang dã. Dulichgo
Tuy nhiên, vấn đề được mọi người quan tâm nhất tại khu núi Phặt Chỉ này là tính linh thiêng của các đạo thờ Thần ở nơi này và đã có rất nhiều câu chuyện huyền bí của người Dao ở Mẫu Sơn truyền khẩu, viết sách, chuyển thơ đưa vào các bài cúng trong các buổi lễ dòng họ, tổ tiên.
Ngôi miếu Thổ Công, Thổ Thần của bà con nhân dân thôn Khuổi Tẳng, Khuổi Cấp và những hiểu biết về sự linh thiêng của Miếu Thổ Thần và Núi Phặt Chỉ của người Dao Lù Gang tại địa phương đã chứng minh rằng, họ rất tôn trọng những tín ngưỡng dân gian này.
Khu Núi Phặt Chỉ nằm ở phía Đông Nam của xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Xung quanh khu vực này là địa bàn sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó người Dao chiếm đông nhất (trên 90%), họ là người dân bản địa, mang đầy đủ nét văn hóa chung của dân tộc Dao nhưng cũng đã hình thành nên những đặc trưng riêng của người Dao Mẫu Sơn.
Trên đường đến núi Phặt Chỉ, chúng ta phải qua miếu Thổ công của người Dao. Cũng như bao nơi thờ tự ngoài trời khác của họ, Miếu không được bố trí ở trong nhà hoặc trong am thờ mà nằm ở phần gốc của cây Chò Chỉ cổ thụ và hai bên là 2 tảng đá to bao bọc tạo một hốc đặc biệt nằm giữa khu rừng nguyên sinh. Những người dân nơi đây cho biết, miếu này đã có từ rất lâu đời, nhân dân quanh vùng thường đến đây thắp hương, cầu mong những điều tốt lành cho bản thân và gia đình.
Theo khảo sát, nghiên cứu và qua lời kể của người dân bản địa, chúng tôi thấy rằng: đây là ngôi miếu thờ thần của người Dao (thần rừng, thần núi, thần đất). Trước khi dân làng làm lễ lớn như lễ cầu mùa, lễ cấp sắc, làm nhà mới, cuới hỏi... họ đều đến miếu thắp hương, làm lễ để báo cáo với thần linh và xin phép được tiến hành công việc. Sau khi làm lễ tại miếu Thổ thần (hay còn gọi là đền Trình), người dân tiếp tục đi 500m lên đỉnh núi Phặt Chỉ làm lễ chính. Cũng giống như miếu Thổ Thần, tại nơi thờ tự núi Phặt Chỉ có một ban thờ lớn linh thiêng nhưng cũng chỉ được tạo thành từ những phiến đá to. Tại đây, các vị thần được thờ gồm có chính thần (thần núi, thần rừng…) và tà thần (ma rừng, ma núi...).
Đối với người Dao ở khu vực Mẫu Sơn, núi Phặt Chỉ là một vùng đất linh thiêng. Người dân thường lên đây làm lễ và cầu khấn thần linh. Không biết từ bao giờ, chỉ biết đã qua rất nhiều đời, nhân dân thường lên núi thắp hương cầu mong các Thần phù hộ cho mọi người trong gia đình mạnh khỏe, không ốm đau, làm ăn gặp nhiều thuận lợi, may mắn. Họ cũng tương truyền rằng: những người thành tâm, cầu khấn sẽ được thần linh trên ngọn núi này phù hộ. Nhưng nếu không thành tâm, xúc phạm đến các vị Thần hay những người có hồn vía yếu, sức khỏe không tốt sẽ bị các Thần phạt. Ở đây, ban đầu chỉ có nhân dân thôn Khuổi Tẳng và Khuổi Cấp hay đến làm lễ, nhưng dần dần người dân xung quanh nơi đây đều đến cúng lễ và coi đây là những vị thần rất quan trọng.
Những già làng quanh vùng cũng nói rằng: “ngọn núi này thiêng lắm”. Xưa kia, nhân dân trong vùng mỗi khi đến đây cầu khấn đều mang theo một viên đá đặt lên đỉnh núi với hàm ý cầu sức khỏe, may mắn.
Chính vì vậy, giờ đây trên núi nơi nhân dân đặt ban thờ đã phủ đầy những phiến đá với nhiều hình thù rất kỳ lạ. Trước đây ngay cả các quan trong vùng cưỡi ngựa đi qua ngọn núi này cũng phải xuống ngựa, thắp hương; sau đó đi bộ qua hết ngọn núi rồi mới lên ngựa đi tiếp. Phải chăng đây là một phong tục đặc biệt của người dân nơi đây?
Trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử núi Phặt Chỉ ở Mẫu Sơn thì được biết: ở thôn Pò Quanh, xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình cũng có một ngọn núi nhỏ mang tên núi Phặt Chỉ và cũng có nhiều câu chuyện truyền miệng xung quanh ngọn núi này về cô gái chết trẻ tại nơi đây, câu chuyện kể lại:
Trước đây có một cô gái trẻ đi qua con đường này, không biết vì lí do gì mà bị chết, biết vậy, mọi người để đó để ngày mai đem chôn, tuy nhiên sớm hôm sau khi mọi người đến thì đã thấy chỗ cô gái nằm đêm qua đã bị mối xông đắp thành quả núi nhỏ.
Thấy linh thiêng, từ đó trở đi mỗi khi người dân đi qua nơi đây cũng đều đặt vào quả núi nhỏ đó một hòn đá, với mong muốn rằng: cầu mong sự bình an, mạnh khỏe, cầu sự tốt lành, may mắn trong làm ăn, được tài, lộc và cũng có ý cầu mong linh hồn cô gái đừng quấy nhiễu cuộc sống của người dân. Cả hai quả núi này đếu có tên trùng nhau và có hành động đặt đá cùng những câu truyện huyền bí về nó. Tuy nhiên những câu truyện huyền bí về tính linh thiêng của những ngọn núi này đều không có sự liên quan tới nhau vì núi Phặt Chỉ ở trên cao là của người Dao, còn núi Phặt Chỉ dưới thấp là của người Tày, Nùng ở thôn Pò Quanh, xã Đồng Bục.
Đối với người Dao Mẫu Sơn, Phặt Chỉ là một vùng đất thiêng, xung quanh ngọn núi này có rất nhiều những truyền thuyết hư hư thực thực, ví dụ như có truyền thuyết nói rằng: Ngày xưa, ngọn núi này chính là bãi chăn thả ngựa của thiên đình. Bởi vì, trong mây mờ, sương ảo vào buổi sáng sớm họ vẫn thấy có những đàn ngựa từ trên trời hạ xuống núi Phặt Chỉ thong dong gặm cỏ, theo sau là một người cao lớn, lưng đeo túi vải, tay cầm chiếc roi da- đó là người trông coi đàn ngựa của thiên đình. Ông ngồi trên đỉnh núi cao quan sát, trông coi đàn ngựa ăn. Đến chiều chiều, khi đàn ngựa đã no, Ông lùa ngựa theo mây quay trở về thiên đình. Và chính gò đất cao nơi Ông ngồi hàng năm nhân dân người Dao vẫn đến đây thắp hương, cúng tế cầu mong cho trâu bò của họ khỏe mạnh, hay ăn, chóng lớn. Cũng từ đó nếu ai muốn chăn thả gia súc trên bãi cỏ của thiên đình thì phải mang một hòn đá đặt lên gò đất và thắp hương với hàm ý cầu xin các vị thần linh nơi đây cho họ chăn thả trâu bò và trâu bò được mạnh khỏe.
Đến bây giờ, ở khu vực này vẫn giữ được vẻ hoang sơ, tự nhiên như nó vốn có, chưa chịu tác động nhiều của con người. Chỉ sau khi ngọn núi được phát hiện ra, đến khoảng năm 2002, một con đường mòn đi xuyên qua rừng nguyên sinh mới được mở ra và cho đến bây giờ nó cũng là con đường chính đi đến núi Phặt Chỉ. Tại 2 nơi thờ tự ở khu vực này vẫn mang đậm nét văn hóa đặc trưng của người Dao. Ở miếu thờ thần trong rừng cũng chỉ mới có bát hương và trên đỉnh núi Phặt Chỉ ban thờ được tạo thành từ tảng đá to đơn sơ và mộc mạc, phía trên có bát hương để nhân dân và khách du lịch thắp hương thờ cúng, làm lễ.
Hiện nay núi Phặt Chỉ ngày càng khẳng định vị trí và ý nghĩa của nó đối với đời sống con người. Đây không chỉ là một nơi tâm linh với tín ngưỡng “đa thần” của người Dao Mẫu Sơn mà với vị trí, địa thế, cảnh quan môi trường thoáng đãng, những ngọn núi trùng trùng, điệp điệp; một cánh đồng cỏ xanh rì, rộng mênh mông, trải dài đến ngút tầm mắt... nó còn là một địa điểm lí tưởng để khám phá, du lịch, vui chơi.
Với những giá trị đặc sắc như trên, núi Phặt Chỉ đã được xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh vào năm 2012 (Quyết định số 1841/QĐ-UBND ngày 07/12/2012 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn).
Theo Dulichlangson, ảnh từ Duongsinh.net và nhiều nguồn khác.