Khám phá bản Huồi Mới chưa có tên trên bản đồ.
Bản Huồi Mới 1 và Huồi Mới 2 là các bản vùng cao, vùng sâu của xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An), nơi có đông đồng bào Mông sinh sống, nằm chênh vênh trên các triền núi, địa hình rất hiểm trở.
Huồi Mới 1 – là một bản người Mông nằm sâu trong vùng giáp biên với nước bạn Lào, với địa hình đặc thù, giao thông khó khăn khiến bản như bị cô lập, cuộc sống phụ thuộc vào cái rẫy mới có cái ăn, còn “cái chữ không làm ta no”.
Người lớn thì vào rẫy từ khi ”Con gà còn bé đến khi con gà to mới thấy về“, trẻ con thì đứa lớn chăm đứa bé như chăm con gà con lợn ngoài nương, nhà nào trẻ còn chưa tự lo cho mình được thì “bữa ăn nhà này bữa ăn nhà khác“, đến trường thì mang muối theo để nấu với nước suối làm canh chan ăn cơm cho dễ nuốt. Cuộc sống dân bản nơi đây gặp muôn vàn khó khăn, từ cái ăn đến cái mặc.
Với gần 70 nóc nhà, hơn 450 nhân khẩu, có đến mấy tháng đói ăn trong năm, kinh tế theo lối tự cung tự cấp, thủ tục canh tác lạc hậu, hầu như hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, cái đói, cái khó cứ dai giẳng bán lấy người dân nơi đây.
Bản có một điểm trường với 5 lớp, mỗi lớp là một khối từ lớp 1 đến lớp 5, tổng học sinh 151 em, đến lớp có khi chỉ đạt 50%. Áo quần không đủ mặc nên đông/hè mặc như nhau, ba bốn em học chung một cuốn sách, thiếu thốn đủ bề.
Chính vì những lẽ đó, thông qua UBND xã Tri Lễ, câu lạc bộ Phượt Thiện Nguyện phối hợp với câu lạc bộ Từ Tâm tổ chức chương trình ” Tiếp sức đến trường ” phát động, kêu gọi ủng hộ vật chất, tiền bạc nhằm, chia sẻ những khó khăn với dân bản nơi đây và giúp đỡ, tạo điều kiện cho các em học sinh điểm trường Huồi Mới 1 và 2 đến lớp học tập thuận lợi.
Và nhân dịp ngày 2/9/2014, khi người người lên kế hoạch đi du lịch đâu đó hay tụ tập gia đình gặp gỡ bạn bè. Lũ chúng tôi lại rời xa đô thị, xa chốn văn minh vượt hơn 220km để được vượt rừng lội suối, được chuầy chòa lăn lóc giữa những con dốc, những đoạn đường bùn sền sệt nhão nhoét lẫn lộn với cứt trâu để vào tổ chức Rằm trung thu cho các em và trao quà nhân dịp năm học mới.
Đúng 5g sáng chúng tôi xuất phát mà mãi hơn 12g mới đến thị trấn Kim Sơn theo như bản đồ, (bắt đầu từ đây vào bản còn khoảng 30km nữa trên bản đồ chưa có nhé) gần 1g chiều đến trung tâm xã bản Đôn tập kết hàng hóa chuẩn bị vượt đèo vào bản Huồi Mới. Tất cả mọi người dân ở đây kể cả bộ đội biên phòng đều khuyên can chúng tôi không nên liều lĩnh vượt đèo vì khả năng không vượt qua được là rất cao.
Nhưng với quyết tâm đem tận tay các em nhỏ ở vùng xa luôn thiếu thốn , nên chúng tôi vẫn nhất trí và quyết tâm vào tận bản dù có khó khăn đến đâu cũng cứ phải đem đuọc quà vào để khỏi phụ lòng các nhà hảo tâm đã đóng góp. Và cũng từ đây con đường gian nan bắt đầu.
Vượt qua suối là đến một bản có mấy nóc nhà ngay dưới chân đèo, mọi người lai khuyên nên bỏ xe lại mà đi bộ lên vì khó có ai trời mưa như này mà đem xe lên vượt đèo được. nhưng gửi xe thì tất cả đồ vác theo à?, quyết định lên đèo!
Riêng con đèo này được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tri Lễ (BĐBP tỉnh Nghệ An) đã phối hợp với tuổi trẻ huyện Quế Phong triển khai làm đường về các bản của xã Tri Lễ .
Bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, chỉ trong một thời gian ngắn, họ đã đào, đắp, san ủi hàng trăm mét khối đất đá; tu sửa, mở được 5km nhưng bây giờ gặp mưa đất sét quyện vào nhau làm thành một thứ bùn trơn trượt. Bên núi cao, bên vực sâu, chỉ cần trượt chân là rơi xuống vực ngay lập tức.
Gọi là “đường” thì dường như xa xỉ quá trong trường hợp này bởi vì chỉ hơn 2km “đường” như thế đã ngốn hết 4 tiếng đồng hồ, xe máy vứt dọc đường, cách di chuyển nhanh nhất hiệu quả nhất không phương tiện nào bằng chính đôi chân mình.
Đến nỗi một phượt thủ gạo cội như Thanh Vinh còn thốt lên ” thật không thể tin mình đã vượt qua được 2km đó ” ! Chỉ riêng nói về đấu tranh tư tưởng, hai mặt mâu thuẫn, đi hay về, dừng lại hay bước tiếp, ngủ rừng hay ngủ bản, khóc thét lên hay cắn răng chịu đựng … cả lúc tay lấm lem bùn cầm điện thoại gọi cho người thân trước lúc vào vùng không điện, không thoại cũng đủ để viết nên 1001 câu chuyện lâm li rồi.
Vậy là gọi điện thoại cho trưởng bản, xin thêm nguòi hỗ trợ ra gùi hàng hóa, xe chúng tôi quyết định bỏ lại trên đèo. Ngày mai quay về lấy, và đó là quyết định sáng suốt.
18h30 người cuối cùng cũng đã đặt chân đến cửa trạm biên phòng đầu bản. Áo quần ai cũng thấm đẫm mồ hôi khiến cho cái lạnh đặc trưng của vùng núi cao càng thêm lạnh, nhưng vừa đến nơi anh em triển khai ngay công việc đã phân công, người lo ánh sáng, người lo lắp ghép đèn trung thu, chia quà, phát quà trung thu cho trẻ em dân bản.
Những mệt mỏi, những lạnh giá dường như tan biến khi đoàn chúng tôi chạm những cặp mắt vừa lạ lẫm, tò mò háo hức của trẻ em dân bản.
Trẻ em bu xung quanh, trẻ em đu bờ rào, trẻ em tràn qua suối, trẻ em ở khắp nơi nô nức kéo về Điểm trường Huồi Mới 1.
Chúng tôi liền tay liền liền chân chuyền quà, đồ chơi, bánh kẹo, đèn ông sao cho trẻ. Nhạc trung thu từ chiếc loa mini chạy bằng ắc quy xe máy của đoàn đưa lên được bật rộn rã. Tuổi thơ như ùa về trong mỗi chúng tôi, Tiểu Ly nói như khóc ” từ bé đến lớn em chưa bao giờ đc món quà, mẩu bánh trung thu !”, rồi ai cũng nhao nhao lên ” em cũng rứa” , ” anh rứa” … . Tuy vậy nhưng chúng tôi vẫn thấy mình còn hạnh phúc hơn rất nhiều các cháu nhỏ ở đây.
Phát quà vừa xong thì trời bắt đầu đổ mưa, từng hạt mưa rơi xuống lấp lánh dưới những nguồn sáng yếu ớt như hàng vạn ánh sao chan hòa đêm trung thu. 21h đêm, trời bắt chúng tôi phải nghỉ khi những ” ánh sao” kia rơi càng dày, cái đói lúc này mới rục rịch đánh vào đoàn, anh em dọn dẹp rồi chuẩn bị ăn tối, tôi cùng Nguyễn Hạ Long – hai thằng già ở lại trực.
Nói đến không khí ăn tối cùng đồng bào người Mông thì thực sự không tham gia từ đầu nhưng khi thấy mấy anh em tay xoa bụng mồm ngậm que chuếnh choáng ra thay hai thằng già thì biết vui biết hoành tráng cỡ nào.
Mà quả thật đúng như vậy khi hai thằng bắt đầu ngồi vào chiếu, chiếu được trải sẵn xung quanh, rượu trong chén không khi nào vơi, đồ ăn không khi nào dừng tiếp, phải nói là món thịt lợn luộc chấm muối trắng trộn Mắc Khèn khiến tôi không dừng đũa nổi. Khi cái dạ dày được đắp đầy là lúc rượu cũng lưng bụng, người say cứ việc lăn ra chiếu đã được trải sẵn sau lưng ngủ, người uống tiếp tục uống …
Đêm về càng khuya, mưa dường như đã giảm, tiếng chúc rượu cũng ít dần thay vào đó là những lời mời ” về nhà tao ngủ ” của cán bộ, của dân bản mời anh em trong đoàn. Đặt lưng xuống nằm cạnh bên nhau không kể quen hay không quen, tình bạn giữa anh em trong đoàn được đặt thêm một dấu chấm than từ những giây phút đó. Về khuya, đêm càng lạnh dần, giấc ngủ đến thật nhanh …
Ngày mới lại bắt đầu. Đoàn dục giã nhau vệ sinh cá nhân, ăn sáng để tiếp tục chuẩn bị cho chương trình sáng. Mì tôm không người lái của đoàn mang lên được diệt sạch sẽ, có người vẫn thở ra nồng mùi men của rừng núi.
Rời Huồi Mới 1, 2 vào lúc chớm trưa, trời quá mù hóa mưa, đường về còn hun hút xa, hiểm trở nhưng bước chân của các thành viên đoàn như nhẹ nhàng, thanh thoát.
Anh Nguyễn Thành Cường chia sẻ “Mỗi lần đến với bà con dân bản và mang những món quà quyên góp được, chúng tôi đều cảm thấy vui và hạnh phúc vì được sẻ chia những khó khăn với bà con. Chuyến đi này đã để lại nhiều dấu ấn tình cảm trong lòng bà con và đây cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục phát huy trách nhiệm tuổi trẻ trong các hoạt động vì cộng đồng”.
Món quà tuy nhỏ nhưng mang nghĩa tình, trách nhiệm cao cả – Dân bản, chúng tôi đã thấy sự chung tay đóng góp hết sức thiết thực, tinh thần tương thân, tương ái, xung kích tình nguyện của các bạn trẻ. Đường đi khó, những câu chuyện trò, tiếng cười vang xóa phần nào mệt nhọc
Theo forum Phuot.vn